Trẻ Tự Kỷ

Rối loạn phổ tự kỷ hay thường được gọi là “tự kỷ” là một rối loạn phát triển thần kinh phức tạp ở trẻ. Tự kỷ có thể làm trẻ trở nên đặc biệt hơn so với những trẻ còn lại, trẻ có thể thông minh hơn trẻ thường trong một số lĩnh vực như khả năng ghi nhớ và sắp xếp trật tự các đồ vật… nhưng trẻ gặp khó khăn về khả năng giao tiếp với người khác, sở thích và hành vi của trẻ đôi khi khó hiểu với phần lớn mọi người. Các biểu hiện của tự kỷ thường được thấy trước 3 tuổi và hay gặp nhất là chậm nói, đây cũng là nguyên nhân hay gặp nhất đẫn đến phụ huynh đưa bé đi khám. Tỷ lệ tự kỷ được báo cáo ngày càng gia tăng, ở Việt Nam các nghiên cứu diện rộng cho thấy khoảng 1% trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ và tỷ lệ trẻ trai cao gấp 5 lần so với trẻ gái. Ở Hoa Kỳ, theo số liệu mới nhất của CDC năm 2020 thì tỷ lệ tự kỷ lên đến gần 2% (1/54 trẻ). Đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra rối loạn và hầu hết các nhà khoa học cho rằng tự kỷ do đa nhân tố, có sự kết hợp phức tạp giữa GEN và môi trường gây nên.

– Khó khăn về giao tiếp, ngôn ngữ

– Giảm khả năng giao tiếp, chia sẻ cảm xúc qua lại: như gọi trẻ ít quay lại, trẻ ít khi cười lại với mình, không khoẻ đồ chơi hay chỉ vật yêu thích của trẻ…

Giảm khả năng giao tiếp, chia sẻ cảm xúc qua lại: như gọi trẻ ít quay lại, trẻ ít khi cười lại với mình, không khoẻ đồ chơi hay chỉ vật yêu thích của trẻ…

Giảm khả năng giao tiếp không lời: ít nhìn vào mắt người khác khi nói chuyện, ít biểu hiện cử chỉ, điệu bộ, nét mặt hay giọng nói của trẻ thiếu nhấn nhá như những trẻ khác…

Giảm khả năng chơi tưởng tượng, ít mong muốn kết bạn, không bận tâm đến bạn cùng trang lứa… hoặc một số trẻ có thể kết bạn nhưng khó khăn để duy trì và phát triển mối quan hệ bạn bè

Sở thích và hành vi của trẻ khác thường, một số biểu hiện thường gặp như

Lặp đi lặp lại động tác, cách chơi đồ chơi hay lời nói.

Hành vi cứng ngắc như thường sắp đồ chơi thẳng hàng, khi các món đồ chơi bị thay đổi thứ tự thì trẻ khó chịu  và buộc phải điều chỉnh chúng lại đúng vị trí…

Sở thích tập trung khác thường, trẻ có thể thích một vật trong nhiều tháng như một con gấu bông cũ, một đôi dép, cái mền… hoặc trẻ tập trung quá mức vào những chi tiết nhỏ…

Trẻ tìm kiếm hoặc tránh né cảm giác, như nghe tiếng tông đơ hớt tóc có thể làm bé bịt tay khóc thét, nhưng khi té bé lại rất ít biết đau so với trẻ khác…

Hiện nay chưa có cách điều trị dứt điểm, đa số các phương pháp can thiệp được chứng minh có hiệu quả là can thiệp bằng giáo dục, tâm lý và hành vi… các phương pháp này nhằm tăng cường khả năng giao tiếp, hạn chế hành vi, giúp trẻ hòa nhập. Trong điều trị, cần can thiệp cho trẻ và hướng dẫn cho cả gia đình. Để điều trị hiệu quả, trẻ cần được can thiệp càng sớm càng tốt và tốt nhất là trước 2 tuổi. Bên cạnh đó, trẻ cần được can thiệp tích cực khoảng 40 giờ mỗi tuần và liên tục trong 2 năm. Chính vì cần có thời lượng can thiệp và sự tích cực rất lớn nên vai trò của phụ huynh góp phần quyết định trong can thiệp cho trẻ. Không chỉ có ba mẹ mà cả những người chăm sóc khác như ông, bà của trẻ cũng nên tham gia các lớp học can thiệp cho trẻ (có thể trực tiếp hoặc học online). Có được sự can thiệp thống nhất, liên tục, tích cực từ gia đình, giáo viên và chuyên viên can thiệp mới có thể giúp trẻ phát triển và hoà nhập.

Trẻ Tăng Động Giảm Chú Ý

Trẻ tăng động hay hiếu động quá mức là vấn đề rất phổ biến và được nhiều phụ huynh quan tâm. Theo thống kê của phòng khám tâm lý nhi Cần Thơ thì đây là nguyên nhân phụ huynh đưa trẻ đến khám nhiều thứ hai (đứng sau nguyên nhân chậm nói ở trẻ).

Tăng động là một biểu hiện thường gặp ở những trẻ thường và cả trẻ có rối loạn “tăng động giảm chú ý” hoặc một vài rối loạn khác. Để phân biệt nhanh trẻ có phải bị rối loạn không phụ huynh có thể xem xét các khía cạnh như, trẻ tăng động với ai? khi nào trẻ tăng động? trẻ tăng động ở đâu? Nếu trẻ chỉ biểu hiện tăng động với một số người nhất định như với ba mẹ hoặc giáo viên dễ tính với bé… một số nơi nhất định như ở nhà, nhà ông bà… thì có thể các biểu hiện tăng động này chỉ là do bé quá hiếu động hoặc thiếu giới hạn trong giáo dục. Ngược lại, trẻ tăng động ở bất kỳ đâu, với cả những người nghiêm nhất nhất với trẻ và trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì khó khả năng trẻ đang gặp phải rối loạn mà phổ biến nhất là tăng động giảm chú ý (ADHD)

Tăng động giảm chú ý là một rối loạn phát triển ở não bộ làm trẻ mất khả năng kiểm soát sự tập trung và trở nên tăng động. Phụ huynh thường than phiền trẻ lăng xăng quá mức, không thể ngồi yên, luôn gây tiếng ồn và làm ảnh hưởng người khác, ở lớp trẻ tập trung rất kém, dễ bị xao lãng bởi tiếng động ngoài lớp hay chọc phá bạn ngay trong giờ học nên bị giáo viên phàn nàn… Rối loạn thường ảnh hưởng rất lớn đến học tập của trẻ, và một trong những nguyên nhân đến khám phổ biến của trẻ tăng động giảm chú ý là do “giáo viên yêu cầu”. Bên cạnh đó, rối loạn củng ảnh hưởng đến tâm lý và các mối quan hệ của trẻ, nếu không được chẩn đoán và can thiệp sớm, có thể dẫn đến rất nhiều những hệ luỵ khác như bỏ học, rối loạn lo âu, trầm cảm thậm chí sử dụng chất và tự hại… 

            Về điều trị tăng động giảm chú ý, có thể sử dụng thuốc và liệu pháp tâm lý – hành vi. Một số liệu pháp tâm lý, hành vi phụ huynh có thể áp dụng để cải thiện sự tập trung cũng như thành tích học tập của trẻ như

Tạo góc học tập cho trẻ. Trẻ cần có góc học tập yên tĩnh, tránh bị xao nhãng. Đối với học trên lớp, trẻ nên ngồi bàn nhất, đối diện bàn giáo viên, tránh cửa cái.

Chia nhỏ bài học. Vì khả năng tập trung của trẻ không cao, phụ huynh nên quan sát xem trẻ có thể tập trung tốt nhất trong bao nhiêu phút, sau đó chia nhỏ bài học, công việc sao cho trẻ có thể hoàn thành trong khoảng thời gian này.

Có kế hoạch học và làm việc rõ ràng. Ở mỗi tiết học, phụ huynh hay giáo viên nên cho trẻ biết cụ thể cần làm gì, ví dụ trong 5 phút đầu, 10 phút tiếp theo, 5 phút cuối…. ở giữa các khoảng này nên cho trẻ đứng lên hoặc ra ngoài trong 1-2 phút.

Gây sự chú ý khi yêu cầu. nhiều phụ huynh than phiền khi giao tiếp có cảm giác như trẻ không chú ý đến mình và thường làm sau hoặc không đầy đủ yêu cầu. để khắc phục phụ huynh nên gây sự chú ý cho trẻ trước khi yêu câu như gọi tên trẻ, sau khi yêu cầu nên bảo trẻ nhắc lại yêu cầu đó rồi mới thực hiện.

            Trên thực tế việc điều trị tăng động giảm chú ý còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác trong đó có mục tiêu và sự mong muốn về thành tích học tập từ phụ huynh và nhà trường. Trong nhiều trường hợp cần sử dụng thuốc để cải thiện thành tích học tập của trẻ. Về lâu dài, các triệu chứng tăng động có thể giảm nhưng giảm tập trung có thể theo trẻ đến khi trưởng thành, vì vậy cần có sự định hướng phù hợp về giáo dục cũng như nghề nghiệp khi trưởng thành. Ngoài tăng động giảm chú ý thì biểu hiện tăng động củng hay gặp ở trẻ tự kỷ. Vì trẻ tự kỷ có thể có rối loạn cảm giác đặc biệt là cảm giác sâu, làm trẻ muốn tìm kiếm cảm giác cơ thể nên có xu hướng tăng động hơn. Mặc khác, vì khả năng tương tác kém, khi phụ huynh gọi tên trẻ tự kỷ lúc trẻ đang chơi hay đang vận động thì trẻ không đáp ứng lại, nên phụ huynh cũng nghĩ trẻ tăng động và “giảm chú ý”… Để phân biệt các rối loạn này phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế và có giải pháp can thiệp phù hợp.

Trẻ Chậm Phát Triển Ngôn Ngữ (chậm nói)

Trẻ chậm nói đang là vấn đề phổ biến hiện nay, theo thống kê của các phòng khám tâm lý trẻ em thì đây là nguyên nhân hàng đầu khiến phụ huynh đưa trẻ đến khám, đứng thứ hai là tăng động. Chậm nói là một biểu hiện khả năng ngôn ngữ diễn đạt của trẻ kém hơn so với sự phát triển chung của các bạn cùng trang lứa. Đây là biểu hiện của rất nhiều rối loạn, cũng như có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm nói. Có thể phân ra các nhóm nguyên nhân sau làm cho trẻ chậm nói hơn so với các trẻ khác:

Trẻ có vấn đề về thính giác như giảm thính lực hoặc khiếm thính (bị điếc) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ và có thể không nói được như trẻ thường. Mặc khác, trẻ bị dị dạng khẩu cái, sứt môi, hở hàm ếch cũng dẫn đến khó khăn về ngôn ngữ. Một vấn đề rất thường được bác sĩ nhắc đến khi trẻ chậm nói là “dính thắng lưỡi” hay “dính phanh lưỡi” cũng làm cho trẻ chậm nói hơn ở giai đoạn sớm của ngôn ngữ, phụ huynh có thể tự kiểm tra thắng lưỡi của trẻ qua đối chiếu với các hình ảnh dính thắng lưỡi dưới đây.

Là tình trạng trẻ chậm nói do môi trường sống và nuôi dạy trẻ. Nhóm nguyên nhân thường gặp là trẻ sử dụng quá nhiều các thiết bị thông minh như tivi, điện thoại, máy tính bảng… khi sử dụng các thiết bị này, chủ yếu trẻ chỉ giao tiếp một chiều nên ít phát triển lời nói. Một vấn đề phổ biến khác là môi trường ít kích thích về ngôn ngữ, như việc phụ huynh ít giao tiếp với trẻ hoặc luôn đáp ứng rất nhanh những yêu cầu của trẻ cũng dẫn đến việc trẻ chậm nói.

Đây là một nhóm các rối loạn phát triển phức tạp ở não bộ mà trong đó rối loạn phổ tự kỷ chiếm đa số. Tự kỷ làm cho trẻ khiếm khuyết khả năng giao tiếp cũng như ngôn ngữ, đi kèm với đó và các hành vi sở thích khác thường. Chậm nói là một triệu chứng rất phổ biến ở trẻ tự kỷ, được liệt và những dấu hiệu báo động đỏ hay gặp nhất của rối loạn này nhưng không phải tất cả trẻ chậm nói đều tự kỷ, tuy nhiên cần tầm soát sớm rối loạn này ở những trẻ có biểu hiện chậm nói. (phụ huynh nên xem thêm bài viết về tự kỷ)

Hay còn gọi là khiếm khuyết trí tuệ, đây là rối loạn làm cho trẻ kém phát triển hơn so với khác trẻ khác ở hầu hết lĩnh vực trong đó có ngôn ngữ. Chậm phát triển được chia làm bốn mức độ. Mức độ nhẹ, ở giai đoạn tuổi mầm non trẻ có thể không biểu hiện gì hoặc chỉ biểu hiện chậm nói. Mức độ trung bình trẻ có thể biểu hiện chậm nói, đi kèm với việc học màu sắc hay hình ảnh chậm hơn trẻ khác. Mức độ nặng và trầm trọng trẻ biểu hiện một cách rõ rệt, ngoài chậm nói, trẻ còn chậm vận động, chậm hiểu biết, thậm chí không thể nói được và có những rối loạn thực thể đi kèm…

Để xác định trẻ chậm nói phụ huynh có thể dựa vào các mốc phát triển bình thường của trẻ. Dưới đây là một số cột mốc được khuyến cáo để xác định trẻ chậm nói:

–       12 tháng: trẻ chưa bập bẹ “ba ba”

–       16 tháng: trẻ chưa thể tự nói từ đơn 

–       24 tháng: trẻ chưa nói được từ đôi

–       36 tháng: trẻ chưa tự đặt được câu hỏi

–       48 tháng: trẻ chưa thể nói được câu dài với các liên từ

Vì chậm nói là một triệu chứng của rất nhiều rối loạn nên cần đưa trẻ đi khám sớm để xác định nguyên nhân và có giải pháp can thiệp sớm.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN NGAY

Chúng tôi luôn mong muốn được hỗ trợ cho bạn!

MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG